Kiểm soát văn hóa phẩm thời kỳ công nghệ số

2022-08-09 06:46:00.0

Thảo luận về dự thảo Luật Ðiện ảnh sửa đổi tại Quốc hội, chiều 25/5/2022, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: "Luật phải tạo hành lang và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa phim Việt Nam và các nền tảng OTT xuyên biên giới".

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm văn hóa chất lượng được các cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện những sản phẩm mang nội dung tiêu cực, thậm chí gây nguy hại cho an ninh văn hóa, an ninh quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi những đổi mới phù hợp, khoa học và hiệu quả trong công tác kiểm duyệt.

Bài 1: Bảo vệ môi trường văn hóa trên không gian mạng

Ðến thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận kiểm soát nội dung là phương thức phổ biến, hữu hiệu giúp các chính phủ, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp loại bỏ mối nguy hại của những văn hóa phẩm xấu, độc, vi phạm pháp luật, quy tắc chung đến cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí, thù địch cố tình lợi dụng quy kết đây là hành động xâm hại quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác và xuất bản để xuyên tạc, vu khống Ðảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngày 10/12/1948, Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó khẳng định sự cam kết của các quốc gia trong bảo đảm, bảo vệ và phát huy quyền tự do ngôn luận. Dù vậy, tự do ngôn luận không phải quyền tuyệt đối. Cụ thể, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ” (khoản 2, Ðiều 19).

Song việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đi kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, theo Công ước nêu trên, quyền tự do ngôn luận phải chịu một số hạn chế, được quy định trong pháp luật mỗi quốc gia để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội (khoản 3, Ðiều 19).

Chẳng hạn, tại Anh, quyền tự do sáng tác bị giới hạn bởi nhiều bộ luật quan trọng như Luật về hành vi phỉ báng, Ðạo luật về hành vi thù hận chủng tộc và tôn giáo 2006, Ðạo luật về ghi hình,… Trong 10 năm trở lại đây, chính phủ Anh đã xử lý một số vụ việc nổi bật liên quan đến hành vi lạm dụng quyền tự do sáng tác, tự do biểu diễn.

Tiêu biểu như: Tháng 3/2015, Steven Lamont bị xử phạt 4 tháng tù do cố tình hát sáng tác bị cấm Billy Boys tại trận đấu bóng đá giữa câu lạc bộ Ranger và Celtic. Tháng 6/2018, Tòa án ra phán quyết cấm nhóm nhạc 1011 sáng tác nội dung liên quan đến chủ đề tổn thương, cái chết, đồng thời, yêu cầu nhóm nhạc này phải thông báo với cảnh sát địa phương khi phát hành video âm nhạc mới, địa điểm biểu diễn, các buổi ghi âm, ghi hình... Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ quy định: Quốc hội sẽ không ban hành đạo luật nào ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, báo chí.

Nhưng điều này không đồng nghĩa quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tác của người dân Mỹ là vô hạn. Về cơ bản, Tu chính án thứ nhất không có hiệu lực với các tác phẩm có 9 nội dung như sau: Tục tĩu; ngôn ngữ gây hấn; phỉ báng và vu khống danh dự, nhân phẩm; nội dung ấu dâm; khai man; tống tiền; xúi giục hành động vi phạm pháp luật; hành vi đe dọa thật sự; lôi kéo phạm tội. Ngoài ra, Tu chính án thứ nhất cũng không bảo vệ hành vi lợi dụng tự do sáng tác để gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bởi vậy, chính phủ Mỹ có quyền kiểm duyệt, hạn chế, thu hồi các văn hóa phẩm mang những nội dung nêu trên song song với việc xử phạt tác giả. Chưa kể, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng với quá trình phân loại, đánh giá, kiểm duyệt nội dung như Hiệp hội Ðiện ảnh Mỹ (MPAA), hệ thống thư viện công lập tại các tiểu bang, hội đồng nhà trường, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình, mạng xã hội.

Theo đó, tác phẩm chỉ bị cấm in, xuất bản khi có nội dung: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (Ðiều 10, Luật Xuất bản). Những hành vi tương tự cũng bị cấm trong hoạt động điện ảnh được quy định tại Ðiều 11, Luật Ðiện ảnh.

Hoạt động xuất bản tại Việt Nam gắn liền với những chức năng, nhiệm vụ quan trọng như: Phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế-xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Vì lẽ đó, nhà xuất bản có quyền từ chối những bản thảo có nội dung không đạt chất lượng, không phù hợp với người đọc Việt Nam. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí cố ý đánh đồng công tác biên tập, loại bỏ bản thảo kém với hành vi kiểm duyệt độc đoán. Thực tế, các nội dung bị cấm trong lĩnh vực xuất bản và hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng mang nhiều điểm tương đồng với quy định pháp luật của hầu hết quốc gia trên toàn cầu, không vi phạm Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Chưa kể, dù vẫn còn một số bất cập nhưng cho tới nay, việc kiểm duyệt vẫn được xem là một phương pháp tối ưu để phòng, chống các văn hóa phẩm xấu độc với hầu hết quốc gia trên toàn thế giới.


nhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 159240

PHƯỜNG TÚC DUYÊN - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Số 18, đường Túc Duyên, phường Túc Duyên, Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Ủy ban nhân dân phường Túc Duyên

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Túc Duyên. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02083 854 412
  • tucduyen@thainguyencity.gov.vn